Skip to main content

Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824-2024)

Ngày 28/5, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824-2024)” gồm 01 mẫu tem, giá mặt 4.000 đồng. 

Bộ tem gồm một mẫu thể hiện hình ảnh sơ đồ kênh Vĩnh Tế gắn với các địa danh liên quan cùng chân dung Thoại Ngọc Hầu, vị quan triều Nguyễn chỉ huy đào công trình này, người có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình bình định, mở mang bờ cõi vào thời nhà Nguyễn, ông không chỉ là một danh thần kiệt xuất, mà còn là một doanh điền xuất sắc, với những công trình mang tính chiến lược.

Bộ tem có khuôn khổ tem 66 x 26 (mm), do họa sỹ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 28/5/2024 đến ngày 31/12/2025.

Kênh Vĩnh Tế là thành tựu thủy nông dưới triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, có chiều dài hơn 11.000 trượng (gần 91km), bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc (tỉnh An Giang) thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang ngày nay) do danh thần Nguyễn Văn Thoại - tức Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) chỉ huy đào kênh, bắt đầu khởi công từ năm 1819 dưới triều Vua Gia Long và hoàn thành vào năm 1824 dưới triều Vua Minh Mạng.

Kênh Vĩnh Tế cho thấy một tầm nhìn chiến lược của cha ông, vừa phát triển sản xuất, giao thương, cũng vừa bảo vệ tuyến biên giới, xác lập chủ quyền bờ cõi. Trong quốc phòng, kênh Vĩnh Tế được ví như một hào nước quân sự khổng lồ bảo vệ biên giới quốc gia phía Tây Nam. Trong phát triển kinh tế, cho đến ngày nay, kênh Vĩnh Tế không chỉ mang nước ngọt và phù sa bồi đắp, cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp tại An Giang, mà còn cho cả vùng tứ giác Long Xuyên, là một trong những nơi đầu tiên đón lượng nước lũ tràn về từ dòng Mekong, đưa nguồn lợi thủy sản dồi dào cá tôm về phục vụ đời sống của người dân địa phương.

Kênh Vĩnh Tế là công trình lớn có nhiều giá trị về quốc phòng, giao thông, thương mại, thủy lợi, cũng như là nông nghiệp và giá trị này vẫn đang được phát huy cho đến ngày nay. Nhằm góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy hơn nữa giá trị lịch sử, trí tuệ, sự sáng tạo của cha ông, giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ để cùng góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước./.

st